Nhắc đến cá chép, chúng ta không thể không nhắc đến giá trị kinh tế và hương vị thơm ngon của nó, đặc biệt là sau mùa sinh sản khi cá được vỗ béo. Cá chép là loài cá được người nuôi và người tiêu dùng ưa chuộng, đồng thời cũng là đối tượng nuôi quan trọng trong ao, hồ, đầm, ruộng, vì cá chép có thể nuôi đơn lẻ hoặc nuôi ghép đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế.
Mục lục
Cá chép được phân bố rộng rãi trong các sông, hồ, ao, ruộng, đầm ở hầu hết các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Loài cá này có nhiều hình dạng khác nhau như cá chép lưng gù, chép vàng, chép đỏ, chép trắng, chép Bắc Kạn… Cá chép sống ở tầng đáy nơi có nhiều mùn bã hữu cơ và thức ăn đáy. Loài cá này có khả năng sống trong điều kiện môi trường khắc nhiệt. Cá chép thành thục ở tuổi 1+ và sức sinh sản của cá chép lớn khoảng từ 150.000-200.000 nghìn trứng/1kg cá cái. Mùa sinh sản của cá kéo dài từ mùa Xuân đến mùa Thu, nhưng tập trung chủ yếu vào các tháng 3-6 và 8-9. Trứng cá chép là loại trứng dính, vì vậy khi cho cá chép đẻ, cần có giá thể để trứng bám vào.
Cho Cá Đẻ Tự Nhiên
Chọn thời tiết thích hợp là yếu tố quan trọng nhất khi nuôi cá chép đẻ. Nhiệt độ thích hợp cho cá chép đẻ là từ 18-25oC. Trong thời tiết quá lạnh, nhiệt độ dưới 18oC, cá chép sẽ không đẻ. Theo kinh nghiệm của nhiều cơ sở sản xuất giống, trước khi cho cá đẻ, phải nghe dự báo thời tiết để tránh những đợt gió mùa Đông Bắc sắp tràn về. Tốt nhất là chọn những ngày đầu xuân, khi trời ấm áp và đồng ếch nhái kêu inh ỏi, đó là lúc thích hợp để cho cá đẻ.
Trước khi cho cá đẻ, cần kiểm tra cá bố mẹ để đảm bảo chất lượng. Nhìn vào cá bố mẹ, nếu thấy có hiện tượng nhô vây, hở đuôi, hay lượn sát ven bờ, đó là dấu hiệu cho thấy cá đã muốn đẻ. Bắt cá để kiểm tra cho chính xác. Đối với cá cái, nên chọn những con có bụng to mềm và phần phụ sinh dục có màu hồng. Nếu vuốt nhẹ vào bụng, trứng sẽ chảy ra. Trứng màu vàng sẫm và trong suốt là trứng đã già, có thể cho đẻ ngay đợt đầu. Những con cá cái bụng to quá mức bình thường, bành ra như bụng cóc và có vẻ mềm nhão, thường rất khó đẻ. Ngược lại, những con cái khi vuốt thấy trứng màu vàng đục hoặc vàng xanh dính vào nhau từng chùm là trứng còn non. Đối với cá đực, chọn những con có sẹ màu trắng sữa đặc quánh chảy ra từ bụng. Trường hợp tinh dịch còn loãng, tuy vẫn có màu trắng nhưng không đặc quánh, đó là sẹ còn non.
Chọn Loại Hình Cho Cá Đẻ
Ao cho cá đẻ
Nếu muốn nuôi cá chép đẻ trong ao, chúng ta cần chọn ao có diện tích rộng hoặc hẹp tuỳ theo số lượng cá cho đẻ. Chọn ao có đáy trơ, tốt nhất là cát pha sét. Nguồn nước đưa vào ao phải sạch, không chua mặn và không ô nhiễm. Ao cần được tẩy dọn kỹ và có mực nước sâu khoảng 1-1,2m. Ngoài ra, có thể sử dụng bể đẻ của cá mè, trôi, trắm hoặc bể chứa nước để cho cá chép đẻ.
Ruộng cho cá chép đẻ
Ở miền núi phía Bắc, người ta thường cho cá chép đẻ tự nhiên trong ruộng. Ruộng cho cá chép đẻ thường có diện tích từ 200-300m2, đáy là đất pha cát và nguồn nước ra vào phải đảm bảo sạch và luôn giữ được nước. Ruộng cho cá chép đẻ cần được cày bừa san phẳng và phơi nắng để làm cứng đáy. Bờ ruộng phải được đắp cao hơn mức nước cao nhất khoảng 50-70cm, có máng cấp và thoát nước thuận tiện. Cống dẫn nước vào cần được chắn phên và lưới mắt nhỏ để ngăn cá tạp theo vào ruộng. Trước khi cho cá đẻ và cấp nước vào ruộng sâu khoảng 50-70cm, nếu ruộng còn dùng để ương trứng và nuôi thì ở góc ruộng đào một cái chuồm rộng khoảng 4m2, sâu 0,7-0.8m và có mương sâu 0,2m làm đường cho cá đi lại kiếm ăn. Mặt chuồm có thể che nắng bằng lá cọ hoặc trồng mướp, bầu, bí để tạo bóng mát cho cá.
Chuẩn Bị Giá Thể Cho Cá Đẻ
Trước khi cho cá đẻ, cần chuẩn bị giá thể cho cá. Có thể sử dụng bèo tây, sơ dừa, cây guột hoặc phổ biến nhất là bèo tây. Nếu dùng bèo tây, cần chọn loại rễ bánh tẻ, rửa sạch đất và cặn bám trên rễ, sau đó sát trùng bằng nước muối 5% hoặc Xanh malachit nồng độ 3mg/lít. Để khi cá vật đẻ không làm bèo tản mát, có thể dùng cây nứa đóng thành khung hình chữ nhật.
Trước khi cho cá đẻ, cần xác định tỷ lệ đực cái thích hợp để đảm bảo lượng tinh dịch đủ để thụ tinh hoàn toàn cho số trứng đẻ ra. Cá chép thụ tinh ngoài tinh dịch của cá đực phóng vào nước sẽ bị loãng. Nếu ít tinh dịch, tinh trùng sẽ không gặp được trứng để thụ tinh. Trong điều kiện nuôi vỗ tốt, có thể ghép 1 cá cái và 2 cá đực, hoặc ghép 2 cá cái và 3 cá đực. Khi ghép cá đực, nên xen kẽ giữa con to và con nhỏ để tăng cường kích thích cá vật đẻ. Tỷ lệ trứng rơi vãi ít hơn vì bèo không đảo lộn và nước không bị xoáy nhiều như khi dùng toàn bộ cá đực to. Khi cho cá chép đẻ tự nhiên, cần lưu ý:
-
Trước khi cho cá đẻ, hãy kiểm tra lại ao, ruộng nơi cho cá đẻ, xem nguồn nước chảy vào có sạch không và mức nước đã đạt yêu cầu chưa. Nếu đã đạt yêu cầu, tiến hành thả bèo xuống và theo dõi thời tiết để thả cá bố mẹ. Nếu gặp gió mùa Đông Bắc hoặc trời rét đột ngột, nên tạm ngừng cho cá đẻ. Thời tiết ấm áp với nhiệt độ nước từ 18-25oC là lúc thích hợp cho cá đẻ. Nên thả cá cái vào buổi sáng và cá đực vào buổi chiều cùng ngày. Nếu thời tiết thuận lợi, cá có thể đẻ từ 3-4 giờ sáng.
-
Nếu đến 5 giờ sáng mà chưa thấy cá vật đẻ, cần bơm nước vào ao hoặc ruộng. Có thể sử dụng vòi phun để làm mưa nhân tạo trong khoảng thời gian 1-2 giờ. Cá sẽ được kích thích và đẻ khi có nước mới. Cá có thể đẻ liên tục trong 2 đêm. Nếu để 2 đêm liền mà cá vẫn không đẻ, phải bắt cá trở lại ao để nuôi tiếp và sau khoảng 20-30 ngày, cho cá đẻ lại. Thời gian từ khi cá đẻ đến khi kết thúc thường kéo dài 2 ngày liền và thường đẻ mạnh vào ngày đầu.
Phương pháp nuôi cá chép đẻ tự nhiên sử dụng giá thể đơn giản và rẻ tiền, có thể áp dụng tại các hộ gia đình không có trại sinh sản. Tuy nhiên, phương pháp này có tỷ lệ thụ tinh thấp, dễ bị dịch bệnh và địch hại, tỷ lệ sống thấp và không thuận tiện cho việc thực hiện lai tạo giống./.